Tràng Đà đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất

Xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) và xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là hai xã của tỉnh thực hiện mục tiêu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao theo Quyết định số 269, ngày 3-10-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành “Bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM nâng cao tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2020”. Đến hết năm 2018, xã đạt 11 tiêu chí trong tổng số 18 tiêu chí NTM nâng cao.


Ông Lê Chiến Thắng, xóm 10, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) kiểm tra bể nuôi ba ba đặc sản. Ảnh: Quốc Việt

Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã thì yếu tố mang tính đột phá là đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Bởi xây dựng NTM nâng cao là phải nâng cao đời sống nhân dân, khi đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện thì việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” sẽ thuận lợi hơn nhiều. Do đó, xã xác định đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm.

Tràng Đà có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, để nông nghiệp và du lịch liên kết tạo thành chuỗi giá trị thì còn nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã xác định thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp là trồng cây ăn quả, hoa lan và chăn nuôi cá, ba ba đặc sản trên sông Lô và các ao hồ. Xã đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ cá với 77 lồng nuôi của 30 hộ nuôi cá chiên, cá quất. Lợi thế trong phát triển nghề cá ở xã là có nguồn nước thuận lợi khi có dòng sông Lô đi qua, nước từ các khe suối đổ về,  người dân có nhiều kinh nghiệm nuôi cá. Các hộ từ nuôi cá truyền thống đã chuyển sang nuôi cá đặc sản; từ hình thức nuôi chỉ để cải thiện bữa ăn hàng ngày, giờ đã cải tạo, gia cố ao hồ nuôi cá quy mô lớn, trở thành hàng hóa chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Theo rà soát, đánh giá của UBND xã, phần lớn người dân làm nghề cá đều có cuộc sống khá giả. Ông Lê Chiến Thắng ở xóm 10 là hộ điển hình trong phát triển nghề cá. Ông có thâm niên nuôi cá 40 năm qua nên việc chuyển đổi mô hình nuôi cá tương đối thuận lợi. Trước đây, ông nuôi các loại cá truyền thống, giờ chuyển sang nuôi cá chiên, cá quất và ba ba gai. Ông huy động nguồn vốn đầu tư hệ thống ống cống gia cố 2 ao nuôi cá đặc sản, xây dựng các bể nuôi ba ba gai. Nguồn nước tự chảy từ suối dồi dào, nước sạch nên cá và ba ba gai của gia đình ông phát triển tốt, trong thời gian tới sẽ cho nguồn thu nhập khá. Từ nghề cá, ông Thắng xây dựng được nhà cao cửa rộng, nuôi được hai người con ăn học đại học, giờ đã có việc làm ổn định.

Tràng Đà hiện đang là “thủ phủ” hoa lan của thành phố với trên 30 hộ làm nghề trồng hoa lan tập trung tại xóm 5, 6, 7, 10, 12, 15. Dân sành chơi lan, yêu hoa lan đều tìm về Tràng Đà để mua lan quý và thưởng ngoạn. Chị Phạm Thị Thanh, nhân viên khuyến nông xã không giấu được niềm vui khi thời gian qua xã có thêm nghề mới - nghề trồng hoa lan. Chị Thanh cho biết, chưa có thống kê cụ thể về thu nhập của người trồng hoa lan vì họ “giấu” nhưng thực tế thì nhiều hộ thu nhập cao từ bán hoa lan giống, làm các dịch vụ từ hoa lan. Để nhân rộng mô hình và phát huy hiệu quả nghề trồng hoa lan, tới đây xã sẽ thành lập Hợp tác xã trồng hoa lan để nhân những giống lan quý cung ứng cho thị trường. Xã còn có lợi thế phát triển vùng cây ăn quả đặc sản như hồng không hạt, bưởi với trên 40 ha. Đây là những lợi thế lớn, nếu như kết nối được với du lịch chắc chắn sẽ gia tăng giá trị hàng hóa cho người dân. Xã có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nhưng chưa được gắn với phát triển du lịch nên chưa khai thác và tổ chức thực hiện hiệu quả để nâng cao đời sống nhân dân.

Thực hiện đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả là tiền đề để Tràng Đà về đích NTM nâng cao. Hiện tại, xã tập trung huy động nguồn lực trong nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích đúng “hẹn” vào năm 2020. 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục